Mường hum là trung tâm cụm xã của các xã vùng cao Tây bắc huyện Bát Xát, đây được coi là thủ phủ giao lưu kinh tế, văn hóa của các dân tộc H’Mông, Dao, Dáy, Hà Nhì..., là nơi hàng tuần diễn ra chợ phiên được tổ chức vào ngày chủ nhật, chợ phiên đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây.
Người dân vùng cao xuống chợ ngoài mục đích mua bán, trao đổi hàng hóa, thì chợ phiên còn là nơi giao lưu văn hóa. Vào buổi chợ các cô gái vùng cao chọn cho mình bộ quần áo truyền thống mới nhất,, tay cầm ô, lưng đeo gùi, các chàng trai thì lợn cắp nách, tay dắt trâu, dắt ngựa xuống chợ. Mặc dù phải đi bộ một quãng đường dài nhưng khuôn mặt ai cũng toát lên vẻ hân hoan, háo hức, vì xuống chợ không chỉ để mua bán hàng hóa mà còn để gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện, tâm tình. Cũng từ những phiên chợ đã có nhiều đôi trai gái bén duyên nhau và nên vợ, nên chồng. Họ say nhau từ điệu múa, tiếng khèn để rồi hẹn nhau ở những phiên chợ sau. Cứ thế, cứ thế phiên chợ đã trở thành điểm hẹn, là nỗi khắc khoải, mong chờ của bao nam thanh nữ tú dân tộc vùng cao.
Những mặt hàng ở chợ vùng cao có nhiều nét khác biệt so với chợ ở vùng thấp, đó là các sản vật của núi rừng sẽ được người dân mang xuống chợ như: mật ong, nấm hương, mộc nhĩ... hay những mặt hàng do chính người dân nơi đây nuôi, trồng sản xuất ra như: Trâu, bò, ngựa, lợn, gà, đậu tương, rượu ngô hay những tấm thổ cẩm ..., tất cả những sản phẩm được bày bán ở chợ là thành quả lao động, thể hiện sự cần cù, khéo léo của người dân vùng cao. Ngoài việc đi chợ mua bán, trao đổi những vật phẩm cần thiết cho sinh hoạt gia đình, thì một sinh hoạt không thể thiếu được của dân tộc nơi đây là giao lưu uống rượu tại chợ, với món ăn truyền thống là thắng cố cùng những chai rượu ngô thơm nồng, bữa tiệc tại chợ thường kéo dài tới khi mặt trời chếch bóng về chiều, chảo thắng cố đã cạn, vò rượu ngô đã hết, là lúc từng đoàn người chia tay nhau trở về các bản làng, kết thúc một phiên chợ đầy náo nhiệt. Lúc này, trên khắp các nẻo đường tỏa về các bản, làng du khách sẽ dễ dàng gặp hình ảnh người chồng cưỡi trên lưng ngựa ngật ngưỡng say trong men rượu, còn người vợ bám đuôi ngựa theo sau trên những con đường núi chênh vênh dưới ánh chiều vàng.
Qua phiên chợ vùng cao, du khách sẽ cảm nhận được cái đẹp ẩn chứa trong đó, nó không phô trương, không cầu kỳ mà mộc mạc, đượm tính nhân văn. Bởi thế phiên chợ vùng cao Mường Hum luôn để lại những ấn tượng khó quên trong lòng du khách mỗi khi ghé thăm.