|
Làm cốm trong Lễ cơm mới (ảnh: sưu tầm) |
Những người am hiểu về du lịch Tây Bắc - Lào Cai thường chọn mùa lúa chín là thời điểm khám phá vùng đất đầy thơ mộng và bí ẩn này, bởi ngoài việc được ngắm những thửa ruộng bậc thang óng ánh vàng như tranh vẽ thì nơi đây còn rộn ràng hương lúa mới với nét văn hóa bản địa độc đáo là lễ cơm mới của đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Giáy, Pa Dí, Thái, Nùng...
Công đoạn đầu tiên trong Lễ cơm mới là chọn ngày, bà con phải chọn ngày tốt, thường là ngày con gà, con chó hoặc con rồng để tổ chức đi cắt những bông lúa đầu tiên về nhà. Nếu người Mông khi đi gặt lúa không cần chọn giờ và không kiêng kị điều gì, thì người Xa Phó lại có khá nhiều nghi thức. Người vợ của chủ nhà sẽ mặc bộ quần áo mới lặng lẽ đi ra nương cắt lúa, họ kiêng để cho người khác biết và đặc biệt là kiêng gặp người cùng làng trên đường đi. Nếu thấy ai thì họ thường phải tránh, bởi việc đi cắt lúa mới không chỉ đơn thuần là thu hoạch, mà đây là nghi thức đón hồn lúa về nhà nên mọi công việc đều phải diễn ra một cách bí mật. Khi cắt lúa, mặt phải quay về hướng đông với ý nghĩa của sự sinh sôi nảy nở.
Trong lễ mừng cơm mới, mỗi dân tộc lại có những đồ lễ cúng khác nhau song bắt buộc phải có món ăn được chế biến từ những hạt thóc đầu mùa mới cắt về, người Giáy làm cốm, người Tày làm cốm và xôi khẩu rang, còn người Mông thì chế biến bánh dày. Điều này thể hiện sự trân trọng của đồng bào đối với loại lương thực đã nuôi sống tổ tiên, dòng họ và cả con cháu của họ sau này.
Lễ vật trong mâm cúng của người dân thường có thịt vịt, thịt gà, các loại rau củ họ tự trồng cấy được, nhưng người Xa Phó có một chút khác biệt trong lễ “Giày xí mà”, họ còn sử dụng 2 - 3 con cá khô (hoặc tươi), 3 - 5 con chuột sấy khô, 1 - 3 con chim, một bát mắm cá ủ chua. Phong tục trong ăn uống của bà con cũng có nét khác biệt, người Pa Dí ở Mường Khương trước khi ăn phải để cho con chó trong nhà ăn xong mọi người mới được ăn, vì theo câu chuyện cổ truyền lại, trước đây khi chưa trồng được nhiều lúa nên vào những ngày giáp hạt đồng bào hay bị thiếu ăn. Một hôm con chó nuôi ở trong nhà chạy ở đâu về, trên lông đuôi con chó có dính những hạt thóc. Nó vẫy mừng chủ rồi chạy vào nhà. Bỗng nhiên khi con chó chạy vào nhà thì thóc bay vào nhà theo chó, thóc chất đầy nhà, đầy bồ. Từ đó người Pa Dí không còn thiếu ăn như trước. Bởi vậy hành động cho chó ăn trước là để cảm tạ loài vật này đã có công ơn mang thóc lúa về cho gia đình.
Cuối cùng, sau khi tất cả các nghi lễ đã hoàn thành, gia chủ cùng anh em họ hàng cùng nâng chén rượu mừng cho một mùa bội thu, một năm no đủ. Những điệu khèn, lời ca kéo dài cùng cuộc rượu trong Lễ cơm mới là lời nhắn gửi mong ước về một tương lai tươi sáng của đồng bào các dân tộc Lào Cai.