Nghệ thuật trang trí trên trang phục phụ nữ người La Chí ở Lào Cai
Người La Chí có nhiều tên gọi khác nhau như Thổ Đen, Mán La Chí, Xá… nhưng La Chí là tộc danh chính thức. Trong danh xưng tộc người, đồng bào tự gọi mình là Cù Tê. Theo giải thích dân gian,  có nghĩa là Người; còn  là Mình; danh xưng Cù Tê có nghĩa là Người Mình. 
Ở Lào Cai, năm 2009 có 619 người La Chí, sống tập trung ở các huyện Bắc Hà (315 người), huyện Si Ma Cai (210 người) và ở rải rác tại thành phố Lào Cai và các huyện khác. Trang phục của phụ nữ người La Chí được coi là sản phẩm văn hóa, là kết quả của quá trình lao động cần cù, sáng tạo của cộng đồng, trong đó biểu hiện tập trung nhất là nghệ thuật trang trí
Trang phục của nữ được thiết kế theo kiểu áo dài bốn thân. Phần thân áo được cắt dài quá gót chân tạo hình khối mềm mại. Hai vạt áo trước được xẻ hai bên hông kéo dài đến gần phần eo. Khi mặc áo dài người La Chí thường vấn hai tà áo sau cuốn quanh vòng eo. Còn hai tà áo trước được gấp lại từ 10 – 30 cm (tùy thuộc vào chiều cao của người mặc), sau đó dùng thắt lưng buộc cố định lại tạo thành một dải trang trí phía trước. Phụ nữ La Chí thường mặc loại váy cộc, được may theo kiểu váy ống, không có cạp. Phần trên của váy được triết gọn nhỏ, còn phần chân váy hơi loe ra. Khi mặc họ dùng dây lưng buộc cố định cạp váy với phần eo. Với cách tạo dáng trên, bộ trang phục của nữ giới được cắt thụng tạo sự thoải mái cho người mặc, đồng thời nó tôn thêm sự khỏe khắn của người phụ nữ. Trang phục của họ không phải là kiểu áo triết eo để làm lộ ra những đường cong trên cơ thể mà nét nổi bật là những đường nét tạo hình trong kỹ thuật mặc trang phục của các chị em. Từ cách vấn thắt lưng, vấn tà áo, vấn khăn, và các đồ trang sức tạo nên sự độc đáo trong cách ăn mặc của mình. Bộ trang phục của phụ nữ La Chí có một số nét giống với trang phục và cách ăn mặc của người Thu Lao, Tày đen.
Trên trang phục của phụ nữ người La Chí họ không trang trí nhiều hoa tiết hoa văn như người Mông, Dao mà chỉ được trang trí một số mảng hoa văn đơn giản gồm các mẫu hoa văn hình học, hoa văn hình hoa bông cùng với các đường viền, điểm chấm để trang trí cho trang phục. Cổ áo là vị trí được các chị em trang trí nhiều họa tiết hoa văn nhất, tiếp đó là giải yếm bên trong. Áo nữ được cắt theo cổ áo hình trái tim rộng, lá cổ to và kéo dài theo hai bên vạt áo cho tới tầm ngang ngực. Áo được may theo kiểu áo không có khuy cài nên khi mặc họ ghép hai tà áo trước khít lại với nhau rồi dùng dây lưng buộc triết eo. Lá cổ áo có chiều rộng từ 6 – 10 cm được khâu đính dọc theo viền cổ xuống tới trước ngực. Phần cuối của hai lá cổ được cắt đều nhau. Trên cổ áo họ thêu các mảng hoa văn chủ đạo gồm hoa văn hình chấm tạo thành các đường viền, hoa văn hình tam giác, hình lục giác.
So với khối hoa văn hình học thì mảnh hoa văn hình hoa lá rất khiêm tốn. Trên chiếc yếm chỉ có một mẫu hoa văn hình hoa lá duy nhất là hoa văn hình hoa bông bốn cánh. Đây là loại hoa đặc trưng của vùng cao luôn gắn liền với người phụ nữ La Chí từ bao đời được chị em thể hiện trên chiếc yếm của mình. Thể hiện sự cần cù, chịu khó và sáng tạo của người phụ nữ. Các hoa văn hình hoa được thêu trong các hình vuông nằm đối xứng nhau tạo thành một tam giác làm điểm nhấn. Hoa bông được thêu bằng các sợi chỉ màu trắng và màu hồng với đường nét mảnh mai, khoe sắc. Bên cạnh các mẫu hoa văn hình học, hoa văn hình hoa lá thì các đường viền xung quanh luôn là điểm nhấn tạo nên sự nổi bật của các mẫu hoa văn chính. Để tạo các mẫu hoa văn trang trí và các đường viền bao bọc các mẫu hoa, người La Chí sử dụng sáu đường viền dài và hai đoạn viền ngắn. Các đường viền được thêu thùa rất cầu kỳ với nhiều mẫu hoa văn khác nhau. Trong đó chủ yếu là các mẫu hoa văn dùng kỹ thuật móc, xuyên, tạo thành các hình móc xích chạy dọc theo các đường viền. Ngoài ra, họ còn thêu điểm chấm là các đường viền nhỏ. Màu của các đường viền cũng rất đa dạng gồm có màu đỏ, xanh da trời, màu trắng và màu tím. Sự phối màu trong quá trình thêu hoàn toàn dựa vào sở thích của từng người. Đối với những cô gái trẻ họ thường thêu các gam màu sáng như màu đỏ, xanh da trời, màu tím, màu hồng. Còn những người cao tuổi họ thường dùng những gam màu nhạt hơn.
Vòng đeo cổ của người La Chí gồm có hai loại, một loại được đánh theo kiểu vòng dây tròn uốn cong, giống với vòng đeo cổ của người Tày, người Mông. Vòng đeo cổ được đánh bằng bạc, hai đầu của vòng được đánh thành móc cong để trang trí. Loại vòng thứ hai được đánh theo kiểu dây truyền. Đối với loại dây truyền này người thợ sẽ đánh thành những chiếc vòng nhỏ rồi nối với nhau tạo thành một sợi dây dài. Mỗi chiếc vòng cổ thường có từ hai đến ba dây chập lại với nhau tạo thành một chiếc dây truyền  to. Bên cạnh vòng đeo cổ thì phụ nữ La Chí thường đeo khuyên tai, đây là đồ trang sức rất quan trọng và quen thuộc với người phụ nữ. Khuyên đeo tai của người La Chí được chế tác bằng bạc trắng với nhiều kiểu dáng khác nhau. Chủ yếu là kiểu khuyên tai được đánh tròn nhỏ như chiếc nhẫn, không có họa tiết hoa văn trang trí. Kiểu mẫu thứ hai cũng là loại khuyên tai được đánh tròn, nhưng ở phần mặt ngoài họ đánh thành một chiếc núm hình chiếc cúc để giữ cho chiếc khuyên tai không bị rơi, đồng thời dùng làm mặt để trang trí. Phía cuối được đánh cong hình móc câu cong về phía bên trong. Khi đeo phần mặt tròn sẽ ở đằng trước tai, còn phần cong của khuyên nằm ở phía sau dái tai.
Đến nay, nghệ thuật trang trí trên trang phục của người La Chí vẫn còn được bảo lưu góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai thật đáng trân trọng.
Nguyễn Hùng Mạnh
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI
Đơn vị chủ quản: Sở Du lịch tỉnh Lào Cai
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Tất Thành - GĐ Trung tâm TT&XTDL tỉnh Lào Cai.

Trụ sở: Tầng 3, Tòa nhà Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin Du lịch, đại lộTrần Hưng Đạo, phường Nam Cường, TP Lào Cai tỉnh Lào Cai.
Sốđiện thoại: 02143.669898;

Email : info@sapa-tourism.com hoặc ttttdl-sdl@laocai.gov.vn