(29/03/2021) Tổng quan nghệ thuật dân gian các dân tộc Lào Cai
Nghệ thuật ngôn từ thể hiện chủ yếu thông qua chữ viết, được biểu hiện trên các lĩnh vực: Dân ca dân tộc, truyện cổ dân gian, ca dao – tục ngữ, câu đố dân gian. Người Dao có chữ viết riêng gọi là chữ Nôm - Dao, chủ yếu dựa vào chữ Hán cổ. Người Mông có chữ viết riêng thông qua hệ thống chữ La Tinh (ra đời năm 1961). Người Tày có chữ viết riêng là chữ Nôm - Tày trên cơ sở chữ Hán cổ.
Nghệ thuật biểu diễn của đồng bào các dân tộc Lào Cai phong phú và đa dạng chủ yếu trong lĩnh vực âm nhạc, tiêu biểu là các điệu múa dân gian có khoảng 70 điệu khác nhau: Người Xa Phó có múa khăn, múa kéo sợi; người Giáy có múa quạt; người Mông có múa khèn; người Dao đỏ ở Tả Phìn có 54 điệu múa (từ điệu múa chào đón các vị thần đến các điệu nhảy xuất binh, ra tướng, múa còn, múa gà, múa cờ…). Gắn liền với các điệu múa, lời hát là các nhạc cụ như: Khèn, Đàn môi, Sáo, Nhị của dân tộc Mông; Trống, Chiêng, Kèn của dân tộc Dao; Đàn Tính của người Tày… Cùng các đạo cụ kèm theo như: Gậy sinh tiền, chùm chuông, quả lắc…
Nghệ nhân thêu thổ cẩm người Dao ở Sa Pa (ảnh: Mạnh Cường)
Nghệ thuật tạo hình dân gian các dân tộc mang những nét riêng giàu giá trị thẩm mỹ, nổi bật là nghệ thuật trang trí trên trang phục. Người Mông với kỹ thuật in sáp ong, ghép vải và nhiều họa tiết hoa văn tinh tế đã tạo nên những bộ trang phục độc đáo mang đậm màu sắc của núi rừng. Nghệ thuật tạo hình của bà con còn thể hiện đậm nét trong nghệ thuật tranh cắt giấy, chạm khắc bạc…