1. Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc được làm từ gạo nếp nương thơm dẻo, được trồng ở trên những dãy núi, đồi, những thửa ruộng bậc thang, là loại hạt gạo to tròn không lẫn chút gạo tẻ. Gạo nếp nương sau khi vo xong tiến hành ngâm trong nước lã từ 6 - 8 giờ, tiếp đó, gạo nếp nương được chia thành 5 phần đều nhau để nhuộm màu nước lá tím, xanh, đỏ, vàng, phần mầu trắng để gạo. Thông thường, người dân sẽ dùng quả gấc hoặc lá cơm đỏ để tạo màu đỏ gạch cho gạo nếp. Màu xanh dùng lá gừng, lá giềng, màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước còn màu tím sẽ dùng lá mầu tím rất thơm và nhiều vị thuốc trong đó. Xôi ngũ sắc thường xuất hiện trong những mâm cỗ cúng cưới hỏi, lễ hội đầu năm vào nhà mới…
2. Bánh chưng đen
Nguyên liệu làm bánh trưng đen gồm: lúa nếp nương, thảo quả, thịt lợn đen, đỗ xanh và đặc biệt là màu đen của bánh được tạo ra từ than gỗ của cây núc nác trên rừng. Than núc nác sau khi giã nhỏ, sàng sảy nhiều lần cho thật mịn, người ta sẽ mang bột than trộn lẫn với gạo nếp nương để tạo mầu đen. Để làm gia vị cho nhân bánh chưng đen thì không thiếu quả thảo quả, thảo quả được nướng hoặc rang lên cả vỏ và hạt giã nhỏ sàng lấy bột mịn trộn với thịt ba chỉ làm nhân bánh với một lượng vừa đủ để tạo mùi thơm đặc trưng cho bánh. Trước khi luộc, bánh được mang ngâm qua nước lạnh một lần rồi xếp vào nồi, đổ nước cho ngập mặt lá. Thường bánh chưng đen sẽ được nấu trong khoảng 8 đến 9 tiếng là được.
3. Phở hồng Bắc Hà
Được gọi là phở hồng bởi vì bánh phở được làm từ hạt những hạt gạo nương hồng - một thứ gạo đặc sản ở vùng đất đất Bắc Hà, chỉ trồng được một vụ trên nương cao, nơi có khí hậu lạnh gần như quanh năm. Bánh phở được làm từ nguyên liệu gạo nương hồng nên khi tráng lá bánh có màu hồng, tráng đến đâu làm phở đến đó nên bánh phở dai mềm và rất ngon. Khi ăn món phở có thể chọn phở gà chan hay phở xá xíu trộn với nước chua, một loại nước chua từ dấm nuối hoặc nước dưa chua, Phở có thể ăn kèm với rau húng ruộng đặc trưng ở vùng cao, thêm đậu xị và tương ớt lại càng hấp dẫn hơn. Cũng có người chọn cách ăn phở cuốn, cuộn tròn sau đó cắt thành từng khúc và chấm với nước dùng ăn kèm xá xíu, đậu xị, rau thơm tùy ý.
4. Cơm lam
Cách chế biến món cơm lam: Gạo nếp nương sau khi được vo đãi thật sạch được cho vào một ống nứa, chặt bỏ một đầu rồi dùng lá chuối bịt kín lại. Sau đó đem nướng đều ống cơm lam trên than hồng. Để có được món cơm lam ngon, khi chọn ống nứa, ống giang hoặc ống vầu ngoài việc chọn độ tươi, độ dày thì còn chú ý đến độ dài của ống nứa. Ống nứa hoặc ống giang, ống vầu có độ dài từ 25 - 30cm là phù hợp nhất để làm cơm lam. Trong khi nướng cơm, cần chú ý quay đều ống nứa để gạo bên trong nhận được nhiệt lượng vừa đều và đủ. Khi ăn người ta sẽ bóc bỏ lớp vỏ lạt mỏng bên ngoài nhưng vẫn còn một lớp vỏ lụa của ống nứa dính liền với phần cơm bên trong. Vị thơm đậm đà, độ ngậy của gạo nếp cùng với vị ngọt được ăn kèm với thịt nướng hoặc chấm với muối vừng.
5. Cơm gạo Séng Cù
Gạo Séng Cù được trồng chủ yếu trên các vùng núi cao, nhiệt độ giao động trong khoảng 20 – 25℃. Đây là thứ gạo cổ truyền cũng là niềm tự hào của bà con dân tộc nơi đây. Gạo Séng Cù một năm chỉ có 2 vụ, vụ mùa và vụ chiêm, thu hoạch tháng 5 – 6 và tháng 10. Năng suất không cao nhưng bù lại gạo lại có hàm lượng dinh dưỡng (tinh bột, protein, vitamin và khoáng chất) cao gấp 3 lần các loại gạo thông thường. Hạt Gạo Séng Cù có đặc điểm là hạt to, trắng ngà, gạo bầu, hạt mẩy, vị đậm đà. Hạt gạo Séng Cù cứng hơn gạo tẻ thường, mùi thơm nhẹ chứ không ngào ngạt như các loại gạo tẻ thơm khác. Đặc biệt, khi cơm nấu lên rất dẻo, mềm, càng nhai lâu càng ngọt, gạo thơm dịu như mùi hoa rừng, để nguội vẫn thơm, không cứng